Chi tiết tin - Xã Hải Ba - Hải Lăng

Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 493
  • Tổng truy cập 38.094

Bài tuyên truyền Luật Căn cước công dân

Post date: 10/07/2024

           Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 27/11/2023, gồm 07 chương, 46 điều, quy định về: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46:  “Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024”.

I. Luật Căn cước và những điểm mới so với Luật Căn cước công dân

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3)

- Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.

2. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

3. Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

4. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

5. Tàng thư căn cước là hệ thống hồ sơ, tài liệu về căn cước, được phân loại, sắp xếp, lưu trữ, quản lý theo trình tự nhất định để tra cứu và khai thác thông tin.

6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, tập hợp thông tin của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

7. Cơ sở dữ liệu căn cước là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về căn cước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành là tập hợp thông tin về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhất định của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

9. Cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là tập hợp phần cứng, phần mềm và hệ quản trị cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc sản xuất, thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền đưa, trao đổi và chia sẻ thông tin về dân cư và căn cước.

10. Cơ quan quản lý căn cước là cơ quan được Bộ Công an giao thực hiện nhiệm vụ quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

11. Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

12. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

13Danh tính điện tử của công dân Việt Nam (sau đây gọi là danh tính điện tử) là một số thông tin sau đây của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho phép xác định duy nhất người đó trên môi trường điện tử thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử và để tạo lập căn cước điện tử:

a) Số định danh cá nhân;

b) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

c) Ngày, tháng, năm sinh;

d) Giới tính;

đ) Ảnh khuôn mặt;

e) Vân tay.

14. Hệ thống định danh và xác thực điện tử là hệ thống thông tin để thực hiện đăng ký, tạo lập, quản lý tài khoản định danh điện tử và thực hiện xác thực điện tử.

15. Định danh điện tử đối với công dân Việt Nam là hoạt động đăng ký, đối soát, gắn danh tính điện tử và cấp căn cước điện tử cho một công dân.

16. Xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam là hoạt động xác nhận, khẳng định tính chính xác của danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.

17. Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

18. Ứng dụng định danh quốc gia là ứng dụng trên thiết bị số để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

19. Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tập hợp, lưu trữ, xử lý, điều phối thông tin, dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin để cung cấp các ứng dụng liên quan đến dữ liệu và cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Chính phủ.

2. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước (Điều 18)

Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán; nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng thay bằng thông tin nới đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

3. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23)

- Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp Căn cước.

- Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp Căn cước.

4. Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46)

- Thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.

- Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

5. Chứng minh nhân dân 9 số sẽ hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46)

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

6. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước (Điều 18 và Điều 19)

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

- Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

7. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23)

- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng Định danh quốc gia.

- Không thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

8. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho ngưởi gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30)

- Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

- Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

9. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33)

- Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của Công dân được cấp cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản Định danh điện tử từ mức độ 2 trở lên (VNeID).

- Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

10. Bổ sung quy định về tích hợp thông tin thông tin vào thẻ căn cước (Điều 22)

- Thông tin tích hợp vào thẻ Căn cước bao gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện vào việc cấp thẻ căn cước.

- Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

II. Tài khoản Định danh điện tử (VNeID)

1. Lợi ích của tài khoản Định danh điện tử (VNeID)

- Thông tin cư trú (Hộ khẩu điện tử)

- Thay thế được các loại giấy tờ cá nhân bằng định danh điện tử trên ứng dụng như thẻ Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Thẻ bảo hiểm y tế và cả hộ chiếu khi đi máy bay trên lãnh thổ Việt Nam...

- Thực hiện các giao dịch trực tuyến: Truy cập dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện và nhanh chóng, không cần khai báo, điền thông tin nhiều lần...

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân với bên thứ ba thông qua quét mã QR.

- Tố giác tội phạm, phản ánh về tình hình an ninh trật tự.

- Bảo mật thông tin người dùng.

2. Cảnh báo thủ đoạn lợi dụng tài khoản Định danh điện tử (VNeID) và cách phòng ngừa:

a. Thủ đoạn lừa đảo:

- Các đối tượng gọi điện giả danh lực lượng chức năng vận động người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID để tạo lòng tin. Sau đó gợi ý, hướng dẫn người dân tự thực hiện trên điện thoại di động cá nhân để không cần trực tiếp đến cơ quan Công an. Khi người dân đồng ý thực hiện, các đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng VNeID giả mạo thông qua liên kết được cung cấp.

- Sau khi ứng dụng giả mạo được cài đặt, đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp tất cả các quyền như truy cập danh bạ, vị trí, trợ năng trên điện thoại. Lúc này người dân sẽ mất quyền kiểm soát. Với quyền truy cập trợ năng, các đối tượng sẽ theo dõi các thao tác của người dùng trên màn hình điện thoại, đọc được mã OTP gửi về điện thoại (Đối với công dân có điện thoại được cài đặt các ứng dụng lieen kết với ngân hàng: Sau khi biết được thông tin đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử của người dân, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ngân hàng điện tử và chuyển tiền trong tài khoản của người dân đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt).

* Đặc điểm nhận biết điện thoại di động đã bị chiếm quyền điều khiển: là người dùng không truy cập được cài đặt ứng dụng, phông chữ trên điện thoại bị thay đổi, điện thoại thường xuyên tự bật sáng màn hình và khi thao tác bị loạn cảm ứng.

b. Biện pháp phòng ngừa:

- Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm; nêu cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân, không đăng, đưa lên mạng xã hội thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử VNeID, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và những vấn đề liên quan đến dữ liệu cá nhân để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cần thận trọng với những người lạ, người tự xưng là lực lượng chức năng gọi điện yêu cầu cung cấp, xác minh thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử VNeID, tài khoản ngân hàng, mã OTP và những mật khẩu của cá nhân. Khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho lực lượng Công an để kịp thời điều tra, làm rõ.

- Đối với những công dân chưa cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID nên đến cơ quan Công an để được trực tiếp hướng dẫn, thực hiện các bước cài đặt cấp độ 1, cấp độ 2, tích hợp các giấy tờ cá nhân vào tài khoản định danh điện tử. Từ đó giúp Nhân dân thuận lợi hơn trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo đảm tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả./

Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện:

"3 KHÔNG":

 1. KHÔNG làm việc, cung cấp thông tin cá nhân khi được yêu cầu qua điện thoại, mạng xã hội.

2. KHÔNG hoảng loạn khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án… 3.KHÔNG được làm theo khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, kích vào đường link lạ.

"3 NÊN"

1. NÊN chủ động bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, nhất là các thông tin quan trọng như thông tin thẻ căn cước công dân, định danh điện tử, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.

 2. NÊN thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nêu cao tinh thần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo.

3. NÊN thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện các cuộc gọi có biểu hiện nghi vấn như trên, để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý.

More